Nên bôi trị mụn trước hay dưỡng ẩm trước?

Khi làn da bạn phải đối mặt với những nốt mụn khó chịu, nhiều chị em thường kết hợp kem trị mụn và kem dưỡng ẩm để vừa điều trị mụn vừa nuôi dưỡng da. Tuy nhiên, nên bôi trị mụn trước hay dưỡng ẩm trước vẫn khiến không ít người băn khoăn. Hãy cùng YB Spa khám phá câu trả lời kết hợp với cách chọn sản phẩm phù hợp, các bước chăm sóc da hiệu quả và những lưu ý quan trọng khi bôi kem để đạt tốt nhất hiệu quả điều trị.

Kem trị mụn và kem dưỡng ẩm có công dụng gì đối với làn da?

Kem trị mụn

Da mụn thường gặp phải nhiều vấn đề phức tạp như tăng tiết bã nhờn khiến làn da trở nên bóng dầu, dễ bít tắc lỗ chân lông,… làm cho vi khuẩn P.acnes có cơ hội phát triển mạnh mẽ gây viêm nhiễm làm tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng hơn.

Vì thế muốn điều trị mụn đòi hỏi phải có sự can thiệp nhanh chóng và hiệu quả từ các phương pháp đặc trị. Một trong những giải pháp phổ biến và dễ tiếp cận nhất là sử dụng kem trị mụn.

Bôi kem trị mụn
Kem trị mụn giúp kháng viêm, diệt khuẩn và gôm cồi mụn đồng thời kiểm soát da dầu

Kem trị mụn thường chứa các thành phần kháng viêm, diệt khuẩn, gom – khô cồi mụn đồng thời kiểm soát lượng nhờn trên da. Sản phẩm giúp loại bỏ vi khuẩn gây hại, làm sạch sâu mang lại làn da thông thoáng, lỗ chân lông se khít hỗ trợ bạn đánh bay mụn nhờ các hoạt chất chuyên biệt như:

Benzoyl Peroxide

Benzoyl Peroxide là hoạt chất điều trị mụn hiệu quả, diệt vi khuẩn P. acnes bằng cách tạo oxy và axit benzoic. Oxy tiêu diệt vi khuẩn, còn axit benzoic tẩy tế bào chết và loại bỏ bã nhờn tắc nghẽn trong lỗ chân lông. Sản phẩm chứa Benzoyl Peroxide có nhiều nồng độ, nên bắt đầu từ nồng độ thấp để tránh kích ứng và khô da.

AHA và BHA

AHA thuộc nhóm acid carboxylic hữu cơ tan trong nước. Bằng cách phá vỡ các liên kết giữa các tế bào, AHA giúp bề mặt da trở nên thông thoáng. Với khả năng tẩy da chết nhẹ nhàng và ổn định, AHA không chỉ hỗ trợ điều hòa quá trình sừng hóa thượng bì mà còn góp phần tiêu diệt các nhân mụn.

Trong khi đó, BHA thuộc nhóm acid tan trong dầu mang lại lợi ích vượt trội cho làn da bằng cách thẩm thấu sâu vào lỗ chân lông. Với khả năng này, BHA là “vũ khí” tuyệt vời giúp đánh bay mụn đầu đen, sợi bã nhờn, làm sạch sâu bên trong đồng thời đẩy tế bào chết, các chất cặn bã và nhân mụn ra ngoài.

Azelaic Acid

Azelaic Acid là một thành phần chăm sóc da nổi bật có tác dụng kháng khuẩn và làm dịu viêm giúp điều trị hiệu quả các vấn đề về da như mụn, đặc biệt là mụn trứng cá và bệnh Rosacea. Azelaic Acid làm giảm viêm, ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn gây mụn, đồng thời cải thiện làn da đều màu và sáng mịn.

Để đạt hiệu quả tốt nhất, Azelaic Acid thường được sử dụng ở nồng độ từ 10%, và nồng độ từ 20% trở lên nên dùng theo chỉ định của bác sĩ để tránh tác dụng phụ.

Retinoid

Retinoid là dẫn xuất của vitamin A, nổi tiếng với khả năng điều trị mụn và cải thiện tình trạng da. Nhóm retinoid gồm các hợp chất tretinoin, adapalene, tazarotene thường được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc da với những công dụng nổi bật như:

  • Tretinoin: Đây là một trong những dạng retinoid mạnh nhất giúp tăng tốc độ tái tạo tế bào thúc đẩy quá trình thay mới da đồng thời giảm tiết bã nhờn và ngăn ngừa bít tắc lỗ chân lông. Ngoài ra, nó còn có tác dụng làm mờ vết thâm và cải thiện kết cấu da.
  • Adapalene: Là một loại retinoid tổng hợp được ưa chuộng nhờ tính hiệu quả cao trong điều trị mụn mà ít gây kích ứng hơn so với tretinoin. Adapalene giúp giảm viêm, làm thông thoáng lỗ chân lông ngăn ngừa sự hình thành mụn và cải thiện độ đàn hồi của da.
  • Tazarotene: Là một loại retinoid mới hơn, tazarotene có khả năng điều trị mụn và làm sáng da. Nó giúp giảm viêm, ngăn ngừa tắc nghẽn lỗ chân lông, làm mờ vết thâm đồng thời cải thiện tình trạng da tổng thể.

Ngoài ra, còn có các kháng sinh dùng ngoài da như erythromycin, clindamycin có khả năng ức chế sự phát triển của vi khuẩn P. acnes và giảm tổng hợp các chất gây viêm do vi khuẩn này tiết ra. Niacinamide (vitamin B3) cũng đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát tiết bã nhờn ngăn ngừa tắc nghẽn lỗ chân lông, giảm sản xuất bã nhờn từ đó làm giảm hoạt động của P. acnes trên da.

Các sản phẩm kem trị mụn
Các loại kem trị mụn phổ biến hiện nay

Kem dưỡng ẩm

Nếu bạn quan sát kỹ sẽ thấy rằng trong tất cả những bí quyết làm đẹp, dưỡng ẩm luôn là bước không thể thiếu. Khi làn da được cấp ẩm đầy đủ sẽ giúp cải thiện đáng kể vẻ đẹp và sức sống của làn da. Dưới đây là những công dụng cơ bản của kem dưỡng ẩm mang lại:

  • Cung cấp độ ẩm thiết yếu, giữ ẩm, ngăn sự mất nước, duy trì cân bằng pH giúp da trở nên mềm mại, mịn màng và giảm thiểu tình trạng khô ráp, bong tróc.
  • Giúp tăng sức đề kháng ngăn ngừa gốc tự do gây ra các dấu hiệu lão hóa như nếp nhăn, chùng nhão và hỗ trợ quá trình tăng sinh collagen, elastin.
  • Giúp phục hồi, nuôi dưỡng lớp màng ẩm và bảo vệ da khỏi các tác động có hại đến từ bên ngoài.

Tùy vào cơ chế hoạt động, kem dưỡng ẩm có các hoạt chất chuyên biệt như:

Giữ ẩm

Chất giữ ẩm có khả năng hút nước khi thoa lên da, giúp cải thiện quá trình hydrat hóa của lớp sừng. Những chất giữ ẩm điển hình như glycerin, HA (acid hyaluronic), sorbitol và axit alpha hydroxy (AHA).

Bên cạnh khả năng hút ẩm, một số chất giữ ẩm như axit alpha hydroxy và ammonium lactate còn có tác dụng làm mỏng lớp sừng dày bất thường, tăng cường liên kết giữa các tế bào sừng và giảm hiện tượng vảy da trong bệnh vảy cá cũng như các tình trạng tăng sừng khác.

Khóa ẩm

Chất khóa ẩm ngăn chặn sự mất nước qua da. Các thành phần thường gặp bao gồm những hoạt chất như petrolatum, mineral oils, silicones, lanolin,…

Chất khóa ẩm phát huy hiệu quả rõ rệt nhất khi thoa lên da ẩm và sử dụng ở bước cuối cùng trong chu trình chăm sóc da để tạo ra hàng rào kỵ nước trên da, góp phần vào ma trận giữa các tế bào sừng.

Dưỡng ẩm cho da mặt
Khóa ẩm để phát huy hiệu quả khi thoa lên da ẩm ở bước cuối cùng

Chống oxy hóa

Chất chống oxy hóa là “lá chắn” bảo vệ làn da trước những tác động tiêu cực từ môi trường như tia UV, ô nhiễm giúp ngăn chặn quá trình tổn thương mà gốc tự do gây ra giảm nguy cơ lão hóa sớm, nếp nhăn và thâm sạm.

Những thành phần chống oxy hóa quen thuộc trong kem dưỡng ẩm như vitamin C, E, niacinamide, resveratrol, chiết xuất trà xanh và ferulic acid không chỉ giúp da chống lại các dấu hiệu tuổi tác mà còn mang lại vẻ tươi trẻ.

Làm mềm

Chất làm mềm giúp làm mịn da thông qua cách lấp đầy khoảng trống giữa các tế bào sừng. Những thành phần thiết yếu của chất làm mềm như stearic, linoleic, oleic, axit lauric,… thường có trong mỡ len, dầu cọ và dầu dừa.

Chúng hỗ trợ quá trình sản xuất eicosanoid, duy trì tính linh động của màng tế bào và phát tín hiệu giúp da tăng cường khả năng phục hồi và điều chỉnh độ thấm.

Nên bôi trị mụn trước hay dưỡng ẩm trước?

Tùy vào tình trạng da và độ nhạy cảm, cách sử dụng kem trị mụn có thể thay đổi. Theo thói quen chăm sóc da hằng ngày, nhiều người thường quen với thoa kem dưỡng ẩm trước rồi mới dùng kem trị mụn.

Thế nhưng nếu bạn có làn da khỏe mạnh, cách trên sẽ làm giảm hiệu quả của kem trị mụn. Lớp dưỡng ẩm tạo nên một lớp màng bảo vệ trên da nhưng nó cũng ngăn chặn các hoạt chất trị mụn thẩm thấu sâu vào bên trong khiến trị mụn kém hiệu quả.

Bôi kem trị mụn
Nên bôi trị mụn trước hay dưỡng ẩm trước?

Thoa kem trị mụn trước giúp các thành phần đặc trị thấm sâu vào da, tiếp xúc trực tiếp với các nốt mụn từ đó mang lại hiệu quả giảm mụn nhanh chóng. Sau đó, thoa kem dưỡng hoặc serum dưỡng ẩm sẽ cung cấp độ ẩm cần thiết giúp da phục hồi và tái tạo tốt hơn.

Tuy nhiên, đối với làn da nhạy cảm do cấu trúc hàng rào bảo vệ da bị tổn thương, bạn nên ưu tiên thoa sản phẩm dưỡng ẩm phục hồi trước. Bước này giúp làm dịu da giảm nguy cơ kích ứng và sau đó mới sử dụng kem trị mụn để tránh làm da thêm nhạy cảm.

Cần đặc biệt chú ý rằng một số kem dưỡng ẩm có thể chứa thành phần gây tương tác với kem trị mụn, do đó bạn nên kiểm tra kỹ hoạt chất trước khi sử dụng. Đặc biệt, các loại kem dưỡng ẩm chứa AHA, BHA hay vitamin C có thể gây phản ứng với các sản phẩm trị mụn chứa kháng sinh hoặc retinoid dẫn đến kích ứng da hoặc làm giảm hiệu quả điều trị.

Bôi trị mụn bao lâu thì bôi dưỡng ẩm?

Sau khi bôi kem trị mụn, thoa kem dưỡng là bước quan trọng giúp bảo vệ và khóa ẩm da. Thời gian chờ giữa hai bước này phụ thuộc vào từng loại kem trị mụn, cụ thể như sau:

– Kem Trị Mụn Chứa Benzoyl Peroxide Hoặc Salicylic Acid: bạn nên đợi từ 15-20 phút để kem trị mụn thẩm thấu hoàn toàn vào da trước khi tiếp tục với bước dưỡng ẩm. Chờ đủ thời gian sẽ giúp kem phát huy tối đa tác dụng mà không bị kem dưỡng cản trở.

– Kem Trị Mụn Chứa Retinoids (Retinol, Tretinoin): sản phẩm dễ gây khô và kích ứng da vì thế bạn nên đợi 20-30 phút sau khi bôi để giúp da thoải mái hơn và hấp thụ hiệu quả cả kem trị mụn và kem dưỡng.

– Kem Trị Mụn Dạng Gel Hoặc Lotion Mỏng Nhẹ: Với các kết cấu nhẹ, thời gian chờ có thể rút ngắn xuống 10-15 phút, đặc biệt khi da bạn không quá nhạy cảm. Tuy nhiên, luôn đảm bảo rằng da đã khô và không còn cảm giác nhờn trước khi thoa kem dưỡng.

Bôi kem dưỡng ẩm
Bôi trị mụn bao lâu thì bôi dưỡng ẩm?

Cách chọn kem trị mụn và dưỡng ẩm cho da mụn

Thăm khám bác sĩ da liễu giúp bạn xác định được làn da của mình cần gì và lựa chọn sản phẩm trị mụn phù hợp với hoạt chất và dạng chất bên trong. Lựa chọn sản phẩm phù hợp khi sử dụng kem trị mụn hoặc kem dưỡng ẩm là yếu tố quyết định để mang lại hiệu quả tốt nhất cho da mụn mà không gây kích ứng.

Kem trị mụn

Các sản phẩm trị mụn phù hợp với loại da, loại mụn là sản phẩm điều trị tốt nhất. Bạn có thể cân nhắc lựa chọn kem trị mụn theo hướng dẫn sau:

  • Cần hiểu rõ tình trạng và mức độ mụn để bạn dễ dàng chọn lựa các thành phần và nồng độ phù hợp cho da.
  • Bắt đầu với benzoyl peroxide và adapalene thường mang lại hiệu quả và được dung nạp tốt. Một số nghiên cứu cho thấy chúng hiệu quả hơn khi kết hợp với nhau.
  • Bắt đầu với các sản phẩm trị mụn có nồng độ thấp giúp giảm thiểu tình trạng da bị viêm, khô và các vấn đề khác. Sau đó, hãy từ từ tăng nồng độ và tần suất sử dụng sản phẩm để da thích nghi với phương pháp điều trị.
  • Nên kết hợp nhiều sản phẩm với các thành phần hoạt tính khác nhau có thể mang lại hiệu quả cao hơn, nhất là khi điều trị mụn trứng cá cứng đầu. Bạn có thể sử dụng một sản phẩm vào buổi sáng và sản phẩm khác vào buổi tối để vừa tăng cường tác dụng vừa giảm nguy cơ kích ứng da.
  • Chọn dạng bào chế phù hợp với bạn như kem, gel hoặc thuốc mỡ. Thông thường kem dịu nhẹ, ít gây kích ứng hơn nhưng gel và thuốc mỡ thấm sâu vào da tốt hơn.

Hãy kiên trì vì hầu hết điều trị mụn bằng các sản phẩm bôi ngoài da có thể kéo dài 2 – 3 tháng mới mang lại kết quả rõ rệt. Thực tế có thể mụn sẽ tạm thời trở nên nghiêm trọng hơn trước khi tình trạng da được cải thiện.

Dưỡng ẩm

Chăm sóc da mặt
Chọn kem dưỡng ẩm có chỉ số SPF để bảo vệ da khỏi tác hại tia UV

Một trong những bước quan trọng nhất để ngăn ngừa mụn là đảm bảo làn da luôn được cấp ẩm đầy đủ. Do đó, bạn nên sử dụng kem dưỡng ẩm với những lưu ý sau:

  • Chọn sản phẩm phù hợp với làn da và tình trạng mụn của bản thân đảm bảo không gây dị ứng và làm tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Chọn loại kem dưỡng ẩm không chứa hương liệu, vì mùi thơm có thể gây kích ứng cho làn da nhạy cảm hoặc đang bị viêm.
  • Nên chọn kem dưỡng ẩm có chỉ số SPF để bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV.
  • Lựa chọn kem dưỡng ẩm chứa các thành phần như axit salicylic, glycerin, axit hyaluronic, lưu huỳnh và tinh dầu cây trà,… rất có lợi cho làn da bị mụn trứng cá.
  • Nên tránh kem dưỡng ẩm chứa các thành phần như dầu khoáng, paraben và cồn vì chúng có thể làm bít tắc lỗ chân lông làm tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Nên chọn kem dưỡng có kết cấu dạng gel để dễ thấm và không gây nhờn dính khi sử dụng.

Hướng dẫn các bước chăm sóc da khi bị mụn

Như bạn đã biết, mỗi loại da đều cần một quy trình chăm sóc riêng biệt. Đối với da mụn, thực hiện đầy đủ các bước làm sạch, dưỡng ẩm và điều trị đặc biệt là vô cùng quan trọng để kiểm soát bã nhờn và ngăn ngừa mụn. Dưới đây là các bước cụ thể mà bạn nên thực hiện:

Bước 1: Làm sạch da mặt kỹ lưỡng

Làm sạch da mặt không chỉ là bước đầu tiên mà còn là bước quan trọng nhất, bởi nếu da không được làm sạch kỹ thì mọi nỗ lực ở các bước sau đều trở nên vô ích. Quá trình làm sạch sâu giúp lỗ chân lông thông thoáng ngăn ngừa tình trạng bít tắc và loại bỏ tế bào chết.

Để đạt hiệu quả tốt nhất, hãy chọn sản phẩm tẩy tế bào chết và sữa rửa mặt phù hợp với loại da của bạn, cho dù là da dầu, da thường, da khô hay da nhạy cảm. Sau khi rửa mặt sạch, nhẹ nhàng lau khô da bằng khăn mềm hoặc bông tẩy trang để đảm bảo da luôn được giữ gìn và không bị tổn thương.

Rửa mặt
Làm sạch da mặt kỹ lưỡng

Bước 2: Thoa toner (nước hoa hồng) giúp cân bằng da

Trong quy trình chăm sóc da, toner là bước không thể thiếu giúp cung cấp thêm độ ẩm và cân bằng pH cho da sau khi làm sạch. Đặc biệt, toner còn giúp loại bỏ hiệu quả lượng bã nhờn dư thừa trong lỗ chân lông mang lại làn da mềm mịn, căng bóng tự nhiên, chuẩn bị tốt cho các bước dưỡng da tiếp theo.

Bước 3: Bôi kem trị mụn

Sau khi lựa chọn loại kem trị mụn phù hợp, hãy lấy một lượng nhỏ kem đặt lên đầu ngón tay. Thoa đều kem lên những vùng da bị mụn nhưng để đảm bảo ngăn ngừa mụn tái phát bạn cũng nên thoa đều khắp mặt, kể cả những vùng da không có mụn.

Lưu ý chỉ dùng lượng kem vừa đủ, tránh thoa quá nhiều có thể làm da bí bách. Kết hợp với massage nhẹ nhàng sẽ giúp kem thẩm thấu nhanh hơn tăng hiệu quả điều trị mụn.

Bước 4: Bôi kem dưỡng ẩm

Trong bất kỳ quy trình chăm sóc da nào cấp ẩm luôn đóng vai trò rất quan trọng. Bạn nên thoa một lớp kem dưỡng ẩm lên da để dưỡng lại các chất đã được thoa trước đó. Trước khi dùng kem dưỡng ẩm, nên đợi cho lớp dưỡng chất của kem trị thấm đều vào da và có biểu hiện khô lại. Thao tác thoa kem dưỡng ẩm tương tự như kem trị mụn.

Nếu làn da bạn nhạy cảm, hãy linh hoạt sử dụng kem dưỡng ẩm trước để làm dịu và củng cố hàng rào bảo vệ da, sau đó mới sử dụng kem trị mụn.

Bước 5: Thoa kem chống nắng

Trong quy trình chăm sóc da cơ bản, bước cuối cùng vào buổi sáng hoặc trưa luôn là thoa kem chống nắng. Dù da bạn có đang bị mụn hay gặp các khuyết điểm khác thì chống nắng vẫn là điều bắt buộc.

Kem chống nắng giúp bảo vệ làn da khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường tăng cường sức đề kháng cho da. Ngay cả khi không tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, bạn vẫn nên thoa kem chống nắng hàng ngày và dặm lại sau mỗi 4-6 tiếng để đảm bảo hiệu quả bảo vệ da.

Một vài lưu ý khi bôi kem trị mụn và dưỡng ẩm

Bên cạnh các bước chăm sóc da mụn đã đề cập ở trên, bạn cũng nên chú ý đến những yếu tố sau để đạt hiệu quả tốt nhất khi bôi kem trị mụn và dưỡng ẩm:

Da bị kích ứng
Nếu gặp ngứa ngáy da mẩn đỏ hãy đến gặp ngay bác sĩ
  • Đảm bảo da mặt được vệ sinh sạch sẽ trước đó và rửa tay sạch trước khi bôi.
  • Khi bôi kem trị mụn tránh thoa kem lên vùng da nhạy cảm như mắt, miệng.
  • Để đánh giá hiệu quả của kem trị mụn và kem dưỡng ẩm, bạn nên theo dõi trong khoảng thời gian 2 – 4 tuần.
  • Khi kết hợp kem trị mụn và kem dưỡng ẩm, nếu bạn nhận thấy mụn đã thuyên giảm đừng vội dừng ngay liệu trình. Hãy kiên trì tiếp tục sử dụng, có thể điều chỉnh giảm liều lượng và tần suất để giúp da phục hồi từ bên trong ngăn chặn nguy cơ mụn tái phát.
  • Nên chọn những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ và bảng thành phần rõ ràng, ưu tiên có chiết xuất thành phần từ nguyên liệu tự nhiên như vitamin A, B, C, E, tràm trà, hoa cúc,.. Tránh xa các sản phẩm kém chất lượng như kem trộn hay hàng nhái để bảo vệ làn da khỏi bị bội nhiễm, tổn thương.
  • Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu kích ứng nào như ngứa ngáy, mẩn đỏ, đau rát,… khi sử dụng sản phẩm, hãy ngay lập tức ngưng sử dụng và đến gặp bác sĩ da liễu để được thăm khám. Tránh tự ý điều trị tại nhà để đảm bảo an toàn cho làn da.
  • Chú ý đến thành phần, liều lượng của từng sản phẩm để khi kết hợp không gặp tình trạng quá tải và tránh sử dụng quá nhiều sản phẩm cùng công dụng cùng lúc. Tốt nhất bạn nên thăm khám và điều trị dưới sự theo dõi của chuyên gia để tránh trường hợp mụn ngày càng nặng.
  • Kết hợp với chế độ ăn uống dinh dưỡng, sinh hoạt lành mạnh, luyện tập thể dục và nghỉ ngơi phù hợp để mụn nhanh chóng thuyên giảm.

Câu Hỏi Thường Gặp

Da dầu mụn có cần dùng thêm kem dưỡng ẩm không?

Da dầu mụn vẫn cần dùng kem dưỡng ẩm, mặc dù nhiều người lo ngại rằng dưỡng ẩm có thể làm da thêm nhờn và gây tắc nghẽn lỗ chân lông.

Trên thực tế khi da thiếu ẩm, tuyến dầu sẽ hoạt động mạnh hơn để bù đắp dẫn đến tình trạng da tiết nhiều dầu hơn. Sử dụng kem dưỡng ẩm phù hợp sẽ giúp cân bằng độ ẩm trên da từ đó kiểm soát bã nhờn tốt hơn và ngăn ngừa mụn hình thành.

Ngoài thoa kem trị mụn và dưỡng ẩm, nên chăm sóc da như thế nào để ngăn ngừa mụn?

Ngoài thoa kem trị mụn và dưỡng ẩm, bạn cần chú ý làm sạch da hai lần mỗi ngày để loại bỏ bụi bẩn, dầu thừa và tế bào chết, giúp lỗ chân lông thông thoáng. Kết hợp sử dụng toner để cân bằng da và tẩy tế bào chết định kỳ 1-2 lần/tuần để hỗ trợ tái tạo da mới.

Bên cạnh đó, duy trì lối sống lành mạnh như ăn uống đủ chất, hạn chế đồ ngọt và dầu mỡ, ngủ đủ giấc và tránh căng thẳng sẽ giúp cân bằng cơ thể, giảm nguy cơ hình thành mụn từ bên trong. Sử dụng thêm mặt nạ đất sét hoặc mặt nạ thải độc 1-2 lần/tuần cũng giúp làm sạch sâu và kiểm soát dầu nhờn hiệu quả.

Kết luận

Hy vọng những thông tin vừa rồi đã giúp bạn giải đáp thắc mắc nên bôi trị mụn trước hay dưỡng ẩm trước cũng như trang bị thêm kiến thức chăm sóc da mụn. Hãy tiếp tục theo dõi YB Spa để không bỏ lỡ những bí quyết làm đẹp và những mẹo chăm sóc da hiệu quả nhé.